Những năm khủng hoảng (1678-1700) John_Churchill,_Công_tước_Marlborough_thứ_nhất

Phục vụ trong ngành ngoại giao

Dưới thời Bá tước Danby chính phủ Anh bấy giờ tiến hành một cuộc tái tổ chức và chuẩn bị chiến tranh chống lại người Pháp. Mối liên minh mới với Hà Lan, cùng với quân đội Anh lớn mạnh mở ra những triển vọng quan trọng cho Churchill trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao. Tháng 4 năm 1678, Churchill (đồng hành với người bạn và là một chính khách đang lên, Sidney Godolphin), đi tới La Hay để đàm phán một thỏa thuận triển khai quân Anh ở xứ Vlaanderen. Chuyến đi thất bại vì Charles II ngấm ngầm đi dây với vua Pháp, nhưng đem lại thành công cá nhân cho Churchill khi thiết lập mối quan hệ với William, Hoàng tử của Orange, người đặc biệt ấn tượng với sự sắc sảo và nhã nhặn trong kĩ năng thương thuyết của Churchill. Vào tháng 5 năm đó, Churchill được bổ nhiệm làm Chuẩn tướng bộ binh, nhưng hi vọng khuấy động chiến tranh trở thành ảo tưởng khi các đảng phái Hà Lan quyết định hòa đàm với Pháp, dẫn tới Hiệp ước Nijmegen.[21]

Chân dung gia đình Marlborough khoảng năm 1694 do John Closterman vẽ. Bên trái Công tước lần lượt là Elizabeth, Mary, công tước phu nhân, Henrietta, Anne và John.

Khi Churchill trở lại Anh vào cuối năm 1678 ông nhận ra những thay đổi nghiêm trọng trong xã hội Anh. Lời khai man của Titus Oates về cái gọi là Âm mưu Giáo hoàng nhằm loại trừ Công tước York theo Công giáo ra khỏi dòng kế vị ngôi vua, đẩy ông này đi lưu đày trong gần 3 năm. James buộc Churchill đi theo, họ tới La Hay rồi Brussels, trước khi được phép tới Edinburgh. Chỉ tới năm 1682, khi Charles đánh bại đảng Whig thì Công tước York mới được quay lại Luân Đôn. Trong thời kỳ này Churchill đảm nhận một số nhiệm vụ ngoại giao, trong đó có chuyến đi tới Paris để xin viện trợ cho Charles II, đảm bảo tài chính cho nhà vua đương đầu với Nghị viện.[22] Những phục vụ này được tưởng thưởng với tước hiệu quý tộc: ngày 21 tháng 12 năm 1682 ông trở thành Lãnh chúa của Eyemouth ở Scotland và 1 năm sau đó được bổ nhiệm làm đại tá trong Trung đoàn Long kỵ binh Ngự lâm quân.[23]

Gia tài kết hợp lại của nhà Churchill giờ đây đảm bảo cho họ một cuộc sống tương đối sung túc; ngoài một cơ ngơi ở Luân Đôn có bảy người hầu, họ cũng mua gia trang Holywell ở St Albans (quê Sarah) làm nhà nghỉ ở nông thôn. Sarah hạ sinh con gái đầu, Henrietta, năm 1681, rồi đến Anne (1684), John (1686), Elizabeth (1687), Mary (1689), Charles (1690, chết yểu khi 2 tuổi).[24]

Tháng 7 năm 1683 Churchill được gửi tới lục địa để đón Hoàng tử George của Đan Mạch đến Anh để kết hôn với Công chúa Anne, con gái út của Công tước xứ York. Anne ban cho Sarah, người công chúa quý mến từ nhỏ, vị trí tùy nữ chính thức (tiếng Anh: Ladies of the Chamber, hầu cận cho nữ hoàng hoặc công chúa). Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ này ngày càng phát triển, đến độ mà về sau Sarah từng viết lại rằng nó "khiến một tình nhân cũng phải ghen tỵ."[25] Về phần mình, Churchill tỏ tình cảm ngưỡng mộ với Anne, trở thành hiệp sĩ tùy tùng[26] và với việc ngày càng gắn bó với công chúa theo Anh giáo này, dần xa rời vòng thân cận của James, những người theo Công giáo.[27]

Cuộc nổi loạn Monmouth

Với cái chết của Charles II năm 1685, em trai ông là Công tước York trở thành Vua James II. Khi lên ngôi, James bổ nhiệm ông làm thống đốc của Công ty Vịnh Hudson. Ông cũng được xếp vào hàng tùy tùng của nhà vua và trở thành quý tộc xứ Anh với tước vị Nam tước Sandridge ở hạt Hertfordshire tháng 5 năm đó, và do đó có một ghế trong Thượng viện. Tuy nhiên bầu không khí chính trị bấy giờ bị phủ bóng bởi các cuộc nổi loạn, ở Scotland bởi Bá tước Argyll và ở xứ Anh bởi con trai ngoài giá thú của Charles II, Công tước Monmouth, người nhận được khuyến khích từ những người theo đảng Whig và nhân vật bất mãn khác, đòi lấy ngai vàng của xứ Anh mà ông cho chính đáng thuộc về mình.[28]

Churchill nhận quyền tư lệnh bộ binh thường trực trong quân đội hoàng gia đương đầu với quân nổi loạn Monmouth, nhưng vinh dự chỉ đạo chiến dịch được trao cho Bá tước Feversham, một người tài năng hạn chế nhưng rất trung thành. Monmouth đổ bộ vào Lyme Regis ngày 11 tháng 6 với một đội quân nông dân trang bị kém, sai thời cơ và không có quân sư tài giỏi, đã bị đánh tan tác trên cánh đồng Somerset trong trận Sedgemoor ngày 6 tháng 7 năm 1685. Mặc dù Churchill là cấp dưới do Feversham, tổ chức điều hành, kĩ năng tác chiến và lòng dũng cảm trên chiến trường của ông đóng vai trò then chốt trong chiến thắng. Sử gia John Tincey viết: "Sedgemoor hẳn không phải là chiến thắng ngoạn mục nhất của John Churchill, nhưng nó xứng đáng nên được ghi nhận là chiến thắng đầu tiên của ông".[29]

Churchill được thăng lên hàm Thiếu tướng ngày 3 tháng 7 năm đó, và nhậm chức chỉ huy nhiều đặc quyền ở Phân đội Cảnh vệ số 3.[30] Nhưng phần lớn vinh dự chiến thắng thuộc về tay Feversham và theo nhà sử học David Chandler, có thể việc không được trọng đãi, cũng như hành động đàn áp đẫm máu sau đó của Bá tước Jeffreys dẫn đến sự vỡ mộng dâng cao thành việc từ bỏ James II của Marlborough sau này.[31] Thực ra Churchill đã sớm lo lắng về khuynh hướng của James II, có nguồn cho rằng ông từng nói với lãnh chúa Galway ít lâu sau khi James II đăng quang, rằng "nếu nhà vua tìm cách thay đổi tôn giáo của chúng ta, tôi sẽ ngay lập tức ngừng phụng sự ông ta."[32]

Cách mạng Vinh quang

Bài chi tiết: Cách mạng Vinh quang

Từ sau chiến dịch Sedgemoor, Churchill cảm thấy lo lắng sẽ bị cho là không tán thành nhiệt tâm tôn giáo ngày càng tăng của nhà vua chống lại phong trào Kháng Cách.[33] Việc James II thăng chức cho những tín đồ Công giáo vào hàng loạt các cơ quan quyền lực - bao gồm cả quân đội - đầu tiên làm nảy sinh nghi ngờ, sau lớn dần thành mưu đồ nổi loạn trong dân chúng vốn phần lớn theo Kháng Cách; ngay cả những thành viên trong hoàng tộc cũng lo ngại về lòng mộ đạo Công giáo cuồng nhiệt của nhà vua.[34] Họ nén sự bất mãn lại vì Charles không có con trai mà các con gái đều theo Kháng Cách, nhưng khi nữ hoàng hạ sinh con trai, James Francis Edward Stuart, điều này mở ra viễn cảnh một loạt các nhà quân chủ Công giáo liên tiếp nhau. Một số người dưới trướng nhà vua, như Nam tước SalisburyNam tước Melfort từ bỏ nguồn gốc Kháng Cách để nhận được ân sủng ở cung đình, nhưng Churchill thì không. Ông nói với nhà vua, "Thần được sinh ra là một người Kháng Cách, và định sẽ sống và chết trong tín ngưỡng đó"; tuy rằng ông nói vậy cũng bởi lợi ích riêng của mình. Tin rằng chính sách của nhà vua có thể hoặc phá hỏng sự nghiệp của chính ông hoặc tạo ra một cuộc nổi loạn lớn hơn nữa, ông không có ý định theo gót cha mình trước kia khi đứng về phe chiến bại.[35]

John Churchill (khoảng 1685–1690), tranh vẽ của John Closterman.

Để lật đổ James II, 7 nhân vật quyền lực đã họp và viết một lời mời gửi tới Quốc trưởng Hà Lan theo Kháng Cách, tức Hoàng tử William của Orange, đề xuất ông này xâm lược nước Anh và lên ngôi vua. Những người ký tên trong lá thư bao gồm các thành viên đảng Whig lẫn Tory, và Giám mục Luân Đôn, Henry Compton, người đảm bảo với William rằng "19 phần 20 dân chúng mong muốn thay đổi."[36] William, vừa là con rể vừa là cháu gọi James II bằng cậu, không cần sự khuyến khích nào hơn để nắm lấy ngai vàng nước Anh. Tuy không ký vào lá thư (bởi khi đó ông chưa phải là yếu nhân chính trị), như nhiều người khác Churchill cũng tìm kiếm một cơ hội thích hợp để rời bỏ James. Churchill tuyên bố ý định của mình thông qua đại diện liên lạc của William tại La Hay - "Nếu ngài nghĩ có bất cứ điều gì khác tôi nên làm, ngài cứ việc ra lệnh cho tôi."[37]

William đổ bộ vào Torbay ngày 5 tháng 11 năm 1688, từ đây ông đem quân tới Exeter. Quân đội của James, dưới sự chỉ huy của Lãnh chúa Feversham, tiến tới Salisbury, nhưng hầu hết các sĩ quan cấp cao không mặn mà với đánh nhau - ngay cả công chúa Anne cũng viết cho William để chúc ông "thành công tốt đẹp trong chuyện này như một sự đảm đương nghĩa vụ."[38] Churchill vẫn ở phe nhà vua và được thăng lên hàm Trung tướng ngày 7 tháng 12, nhưng việc ông bộc lộ sự sung sướng ra mặt khi Lãnh chúa Cornbury đào thoát sang phía Orange khiến cho Feversham đòi phải bắt giữ ông này. James phản ứng rất chậm trễ, trì hoãn lệnh bắt khiến cho sáng ngày 24 tháng 11, sau cuộc họp hội đồng chiến tranh, Churchill, với khoảng 400 tướng tá và tùy tùng, trốn khỏi trại quân hoàng gia và chạy tới chỗ William ở Axminster, để lại một lá thư xin lỗi và biện minh:

... Thần hi vọng rằng ưu đãi lớn lao mà thần thụ hưởng dưới quyền Bệ hạ, thứ mà thần có khiến thần không bao giờ trông đợi một sự thay đổi chính phủ khác, có thể thuyết phục Bệ hạ và thế giới một cách hợp lý rằng thần được thúc đẩy một nguyên lý cao cả hơn..[39]

Đứng trước sự đào ngũ của một loạt tướng lĩnh và các cuộc nổi dậy của dân chúng Luân Đôn, trong khi từ chối quân Pháp can thiệp, James buộc phải chạy trốn sang Pháp ngày 23 tháng 12, khiến cho cuộc đảo chính về sau được gọi là "Cách mạng Vinh quang" thành công hầu như không gây đổ máu.[40]

Tướng của William

Bài chi tiết: Chiến tranh Chín năm
Vua William III (1650–1702), tranh vẽ bởi Godfrey Kneller.

Khi William và Mary lên ngôi đồng cai trị, họ ban thưởng cho một loạt những người ủng hộ mình, trong đó có Churchill được phong tước Bá tước Marlborough ngày 9 tháng 4 năm 1689, đồng thời được bổ sung vào Hội đồng Cơ mật. Việc thăng chức này dẫn tới những lời đồn cáo buộc Marlborough đã phản bội một cách nhục nhã vị vua cũ của mình để cầu danh vị.[41] Những người biện hộ cho Marlborough, chẳng hạn hậu duệ của ông là Winston Churchill đã cố công đi tìm động lực ái quốc, tôn giáo và đạo đức cho hành động của ông; tuy nhiên theo cách nói của Chandler, khó mà gỡ cho Marlborough khỏi tội nhẫn tâm, bội ơn, mưu mô và phản nghịch chống lại một người mà ông ta nợ hầu như mọi thứ trong cuộc đời và sự nghiệp tính đến thời điểm đó.[42]

Marlborough ở tuổi ba mươi, tranh vẽ bởi John Riley. Chi tiết ngôi sao Huân chương Garter được thêm vào sau năm 1707.

Hành động chính thức đầu tiên của Marlborough là hỗ trợ việc tổ chức lại quân đội-thẩm quyền xác nhận lòng trung thành hay thanh lọc các sĩ quan đem lại cho vị bá tước cơ hội xây dựng một mạng lưới quyền lực hữu ích trong hơn hai chục năm sau đó.[43] Nhiệm vụ này được tiến hành khẩn trương, bởi chỉ sáu tháng sau khi James II ra đi, nước Anh tham gia vào cuộc chiến chống lại nước Pháp trong một liên minh nhằm ngăn chặn tham vọng bá chủ của Louis XIV. Marlborough được cử làm tư lệnh 8 nghìn quân gửi sang Hà Lan vào mùa xuân năm 1689, tuy nhiên trong suốt Chiến tranh Chín năm (1688-1697) ông chỉ có 3 năm phục vụ ở chiến trường và phần lớn ở dưới sự chỉ huy của người khác. Tuy nhiên, trong trận Walcourt ngày 25 tháng 8 năm 1689, Marlborough nhận được lời ca ngợi từ tư lệnh quân Liên minh, Hoàng thân Waldeck do năng lực cầm quân và lòng dũng cảm,[44] và William ban cho ông chức chỉ huy nhiều bổng lộc ở Trung đoàn số 7 Bộ binh bảo vệ Luân Đôn.

Tuy nhiên danh tiếng của Marlborough trong triều đình ngày càng suy giảm, do sự thân cận của vợ chồng ông với công chúa Anne, người xét theo tính chính thống xứng đáng lên ngôi hơn William và Mary.[45] Mary cảm thấy rất khó chịu với Sara, người lên tiếng bênh vực Anne trong một loạt tranh cãi triều đình và nỗi căm ghét lây sang cả bá tước.[46] Tuy nhiên trong một thời gian những tranh cãi nóng nảy này chìm xuống bởi các sự kiện ở Ireland nơi James đổ bộ tháng 3 năm 1689 để tìm cách lấy lại ngai vàng. Khi William đem đại quân tới Ireland tháng 6 năm 1690 Marlborough được chỉ định làm tư lệnh tất cả quân đội và dân quân ở xứ Anh, và tham gia vào Hội đồng Chín người cố vấn cho Nữ hoàng Mary về các vấn đề quân sự trong lúc nhà vua vắng mặt, tuy nhiên Mary không thèm che giấu sự căm ghét với Marlborough.[45]

Chiến thắng của William III trong trận Boyne ngày 1 tháng 7 năm 1690 buộc James II phải bỏ rơi đội quân của mình và chạy trốn trở về nước Pháp. Tháng 8 Marlborough đi tới Ireland, lần đầu tiên được cầm quân độc lập trong một chiến dịch kết hợp thủy-bộ vào các cảng miền nam Cork và Kinsale. Đó là một chiến dịch táo bạo, sáng tạo nhắm vào các tuyến đường vận chuyển quân lương của phe Jacobite mà vị bá tước đề xuất và tiến hành xuất sắc.[47] Thành Cork thất thủ ngày 27 tháng 9, Kinsale nối tiếp vào giữa tháng 10. Dù không dẫn tới kết thúc chiến tranh như Marlborough kỳ vọng, chiến dịch đã dạy cho Marlborough bài học về tầm quan trọng của hậu cần và phối hợp tác chiến. Phải 10 năm sau đó Marlborough mới có dịp trở lại cầm quân.[48]

Bị cách chức và thất sủng

Công chúa Anne năm 1683, tranh vẽ của Willem Wissing. Khi Mary chết mà không có con năm 1694, Anne, em gái Mary, trở thành người hưởng quyền kế vị.

William III ghi nhận tài cầm quân của Marlborough nhưng không ban cho Huân chương Garter và không bổ nhiệm Marlborough làm Tư lệnh Quân khí khiến cho vị bá tước bất mãn; mà Marlborough cũng không che đậy sự thất vọng đó đằng sau những lời thận trọng thông thường.[49] Sử dụng ảnh hưởng trong Nghị viện và quân đội, Marlborough khuấy động sự bất mãn về việc William ưa sử dụng các tướng lĩnh nước ngoài, để gây tổn thương uy thế nhà vua.[50] Biết được điều này, William đến lượt mình công khai bày tỏ nghi ngờ với Marlborough; sứ thần của Tuyển cử hầu Brandenburg tới Luân Đôn nghe thấy nhà vua nhận xét rằng ông đã bị Marlborough đối xử "một cách bỉ ổi đến mức, nếu không phải là vua, ông hẳn đã phải thách ông này đấu tay đôi."[51]

Kể từ tháng 1 năm 1691 Marlborough đã liên lạc với vị vua lưu đày James II ở Saint-German, cầu xin được xá tội cho việc đào ngũ trước đây - một lời xá tội là hết sức cần thiết cho sự nghiệp tương lai trong một kịch bản không phải hoàn toàn không thể xảy ra của một cuộc nổi dậy Jacobite thành công.[52] William nhận biết rõ những mối liên lạc này, không chỉ của Marlborough mà cả những người khác, nhưng việc chơi nước đôi này giống một kiểu bảo hiểm hơn là một cam kết rõ ràng.[53] William hiểu tầm quan trọng và năng lực của Marlborough và cần thấy phải loại bỏ mối lo ngại này.[54]

Sidney Godolphin, Bộ trưởng Ngân khố, Thủ tướng và là đồng minh theo phái Tory của Marlborough

Vào lúc William và Marlborough trở về sau từ một chiến dịch ít đụng độ ở Hà Lan thuộc Tây Ban Nha năm 1691, quan hệ giữa họ càng tồi tệ hơn. Tháng 1 năm 1692, Nữ hoàng ra lệnh cho Anne loại bỏ Sarah khỏi gia tộc nhưng Anne từ chối. Tranh cãi cá nhân này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Marlborough mất chức.[55] Ngày 20 tháng 1, Bộ trưởng Nội vụ, Bá tước Nottingham ra lệnh cho Marlborough từ bỏ mọi chức vụ quân sự lẫn dân sự, và cấm ông tham gia triều đình. Không lý do cụ thể nào được đưa ra và những người đồng liêu với Marlborough tỏ ra bất bình: Shrewsbury lên tiếng phản đối còn Godolphin đe dọa từ chức. Đô đốc Russell, bấy giờ là tổng tư lệnh Hải quân Anh, còn thẳng thừng cáo buộc nhà vua đã vô ơn với "người đã đặt vương miện lên đầu ông ta."[56]

Tội phản quốc

Vận rủi của Marlborough còn chưa dừng ở đó. Mùa xuân năm 1692 đem lại những nguy cơ mới về một cuộc xâm lược từ nước Anh và những âm mưu Jacobite. Dựa trên lời khai của một Robert Young nào đó, Nữ hoàng ra lệnh bắt tất cả những người ký tên vào một lá thư ủng hộ sự phục ngôi của James II và đòi bắt giữ William III. Marlborough, được cho là một trong những người ký tên, bị tống giam ở Tháp Luân Đôn ngày 4 tháng 5 nơi ông lâm bệnh trong 5 tuần, không chỉ vì hoàn cảnh bản thân mà còn do cái chết của con trai Charles ngày 22 tháng 5. Những lá thư của Young về sau bị xem là giả mạo và Marlborough được thả vào 15 tháng 6, nhưng ông tiếp tục liên lạc với James, dẫn tới sự kiện nổi tiếng được gọi là "lá thư vịnh Camaret" năm 1694.[57]

Từ vài tháng trước đó Liên minh đã chuẩn bị một cuộc tấn công vào Brest, cảng ở Vịnh Biscay mà Pháp nắm giữ. Người Pháp nhận được tin tình báo cánh bảo về một cuộc đột kích bất ngờ, và Nguyên soái Vauban đã tăng cường phòng thủ và canh gác ở đây. Kết quả là cuộc tấn công ngày 18 tháng 6 do Thomas Tollemache kết thúc trong thảm họa, hầu hết quân Anh bị chết hoặc cầm tù. Mặc dù không có bằng chứng, những người gièm pha Marlborough tuyên bố rằng chính ông đã báo cho kẻ thù. Macaulay khẳng định rằng Marlborough đã cảnh báo về việc đổ bộ cho James trong một lá thư ngày 3 tháng 5, để làm thất bại chiến dịch và khiến kình địch Tollemache bị giết hoặc mất uy tín. Giới sử gia hoặc nghi ngờ tính chân thực của lá thư, hoặc cho rằng lá thư Marlborough không có nhiều ý nghĩa thực tế, bởi kế hoạch Vịnh Camaret được nhiều người biết đến và người Pháp thực ra đã tăng viện từ tháng 4.[58][59]

Hòa giải

Cái chết của Mary ngày 28 tháng 12 năm 1694 cuối cùng dẫn tới một cuộc hòa giải chính thức nhưng lạnh nhạt giữa William III và Anne, giờ đây là người thừa kế duy nhất ngai vàng. Vợ chồng Marlborough được phép trở lại triều đình nhưng bá tước không được trở lại các chức vị như ông hi vọng.[59]

Năm 1696 một lần nữa Marlborough, cùng với Godolphin, Russell và Shrewbury bị cáo buộc mưu phản liên kết với James II, lần này dưới sự chủ mưu của John Fenwick. Cáo buộc này cuối cùng bị bác (Fenwick vẫn bị xử tử) nhưng chỉ tới năm 1698, một năm sau khi Hiệp ước Ryswick chấm dứt Chiến tranh Chín năm, thì mối quan hệ giữa William và Marlborough mới ấm lên.[59] Dưới sự đề xuất của Nam tước Sunderland (người có vợ là bạn thân của Sarah Churchill), William cuối cùng nhận được vị trí thống đốc cho Công tước Gloucester, con cả của Anne; ông cũng được phục hồi vị trí trong Hội đồng Cơ mật cùng cấp bậc Trung tướng.[60] Khi William đến Hà Lan vào tháng 7 Marlborough từng tham gia vào hội đồng nhiếp chính. Tuy nhiên Marlborough không hoàn toàn hòa giải được với William, khi vừa muốn tỏ ra là một người trung thành với nhà vua vừa phải duy trì các mối quan hệ thân thiết với phe Tory[61]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: John_Churchill,_Công_tước_Marlborough_thứ_nhất http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a10118901 http://www.churchillbooks.com/GuidePDFs/g56.pdf http://www.churchillbooks.com/GuidePDFs/g82.pdf http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p070527423 http://www.biografischportaal.nl/en/persoon/096356... http://www.basilica.org/pages/ebooks/G.K.Chesterto... http://mak.bn.org.pl/cgi-bin/KHW/makwww.exe?BM=1&N... http://books.google.com.tw/books?id=MrDcAIvc9YwC&p... https://trove.nla.gov.au/people/913485